Hàng ngày, trong ngôi nhà riêng ở làng Võng Thị, quận Tây Hồ, hay trong nhà con gái ở quận Đống Đa- Hà Nội, cụ Bùi Hạnh Cẩn vẫn miệt mài biên soạn sách, dịch thơ, và... công việc thu hút tâm trí sức lực nhiều nhất của cụ là vẽ Tranh chữ... Tranh chữ của cụ đã bước vào nhiều bộ sưu tập nghệ thuật, được triển lãm ở nhiều nơi trong nước, có mặt trong nhiều ngôi nhà quý trọng văn hóa dân tộc ở trong nước cũng như ở nước ngoài... Những cuộc triển lãm tranh chữ của cụ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và ở Tp HCM đã trở thành sự kiện văn hóa độc đáo vào loại bậc nhất, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ và sâu bền trong nhiều tầng lớp công chúng...
Bùi Hạnh Cẩn, một nhà báo lão thành, một nhà ngôn ngữ uyên bác, một nhà văn hoá lớn, nhưng ngoài đời lại chỉ hiện diện như một con người bình dị mà ta vẫn gặp trên những con đường làng... Gặp cụ Bùi Hạnh Cẩn hôm nay, đã sang tuổi 90, ta thấy cụ vẫn như vài chục năm trước, một dáng vẻ long đong, vất vả; trong đầu như đang chất chứa bao ý tưởng chực trào ra đầu ngọn bút. Trong túi chiếc áo đại cán sờn cổ, lúc nào cũng đầy ắp những mẩu giấy xé vội từ cuốn sổ tay, từ vỏ bao thuốc lá, ghi chi chít những từ ngữ khó hiểu, chỉ mình cụ đọc được- trong đó giờ đây chắc chắn có phần lớn những ý tưởng cho Tranh chữ...
Chúng tôi đã có dịp được tới quê hương của cụ, tại tại thôn Văn Tập xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước và hiếu học vùng Sơn Nam Hạ. Cụ thân sinh là cụ Bùi Trình Khiêm, nổi tiếng hay chữ nên dân gian trong vùng có câu “Vụ Bản Trình Khiêm, Hà Nam Sứ Chỉ” để chỉ hai chàng trai nổi tiếng văn thơ có tài ứng đối. Dòng họ Bùi có cụ Bùi Tân đỗ tiến sỹ, tên tuổi còn ghi trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thời kì bị quản chế tại quê nhà, cụ Khiêm mở trường dạy học. Học trò của cụ có nhiều người trở thành những trí thức lớn, những nhà cách mạng nổi tiếng, như Trần Huy Liệu, Nguyễn Thượng Cát... Trước hương án cụ Khiêm, trong nhà bái đường cùng cụ Bùi Hạnh Cẩn, chúng tôi càng thấm thía cái truyền thống “Nhà ta quí chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang ở đời” mà cụ Cẩn đã được hấp thụ từ tuổi thơ, cái bài học đạo lý mà người cha truyền dạy: phải biết trân trọng chữ nghĩa, và việc học này phải gắn liền với việc rèn luyện nhân cách, không đề cao mục đích khoa cử... Với gốc gác học vấn đó, kết hợp tự học, cụ đã xử dụng thành thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Esperanto. Bùi Hạnh Cẩn phải bươn trải qua đủ thứ nghề. Thời thanh niên, là một trí thức tiểu tư sản, Bùi Hạnh Cẩn có dịp tiếp xúc với nhiều các luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, đã viết hàng trăm phóng sự, kí, thơ trào phúng, thơ trữ tình lục bát... Và trong suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, cụ đã cống hiến cho văn hóa văn chương hàng chục tác phẩm đủ các thể loại: báo chí, thơ văn, dịch thuật, khảo cứu, tự điển, biên soạn... và giờ đây là Tranh Chữ...
Giữa quê hương cụ, chúng tôi hiểu thêm cái cội nguồn cảm xúc của cụ dành cho thơ văn và Tranh chữ. Khi viết văn, Bùi Hạnh Cẩn thích kí bút danh "Thôn Vân", địa danh gắn với tuổi thơ cụ và tình bạn sâu nặng của cụ với người em họ là thi sĩ nổi danh Nguyễn Bính... Cụ từng lấy cái tên "Hương Nhu" để kí dưới những bài về quê hương đất nước, như nỗi nhớ da diết hương thơm của một loại lá vườn quê mà mẹ cụ và các thôn nữ thường dùng để gội đầu xưa kia... Những vần thơ đồng quê của Nguyễn Bính đã in dấu trong tâm hồn cụ Bùi Hạnh Cẩn và giờ đang run rẩy vụt hiện trong từng nét tranh chữ của cụ...
Là một trong những người sáng lập ra báo chí Hà Nội sau ngày hoà bình, từng viết báo, làm quản lý, song sau rốt, Bùi Hạnh Cẩn vẫn là một nghệ sỹ, một nhà thơ có thiên hướng về lối viết giàu cảm xúc, giàu hình ảnh- và đó cũng chính là cái nền quan trọng cho Tranh chữ của cụ sau này. Tranh chữ cũng là một cái cớ, là con thuyền chở tấm lòng đằm thắm của cụ với cánh cò, con sông, cây đa, bến nước, sân đình, mùi lá hương nhu, tiếng đàn bầu, cùng những kỉ niệm đã hằn sâu vào tâm hồn cụ qua bao thăng trầm cuộc đời...
Cụ Bùi Hạnh Cẩn thường kể lại tình bạn thơ cảm động của cụ với nữ sĩ Ngân Giang, và xúc động đọc bài thơ cụ tặng nữ sĩ:
Từ thuở thiếu thời cho đến suốt cuộc đời cầm bút, cụ Cẩn đã có tiếng là người yêu thích cái mới, ghét sự mòn sáo dập khuôn. Và ngót 30 năm nay, sau khi đã có đủ các thứ nhà: nhà báo, nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà sưu tầm văn hóa dân gian, nhà biên soạn ,v.v, cụ lại "tậu" thêm một "nhà" nữa, đó là nhà họa sĩ vẽ Tranh chữ mà không hề giống bất cứ ai. Và cụ đã vẽ tới hàng ngàn bức tranh chữ lớn nhỏ, càng vẽ càng điêu luyện về bút pháp, càng tung hoành bay bổng để khám phá vào biết bao vỉa ngầm của tâm tư và đời sống- và điều này là minh chứng hùng hồn cho sức sáng tạo phi thường chưa hề vơi cạn của ông đồ tài tử - nhà nghệ sĩ Bùi Hạnh Cẩn!Người hồng nhan quá đa đoan quá
Mấy dạo đèn hoa hội múa mời
Tôi cùng mấy lần son phấn giả
Vai hề hay dở thế mà thôi
Phương pháp mới của ông đồ Bùi Hạnh Cẩn là dùng chữ của cha ông ta: chữ Nôm- mà cụ gọi là Quốc ngữ lần thứ nhất, là bản sắc dân tộc. Cụ mượn một số chữ Hán Nôm giàu tính tượng hình và dễ cách điệu hoá. Với phương châm tiếp thu khoa học và tinh hoa của nhân loại, cụ Cẩn lại dùng chữ Quốc ngữ thứ hai - hệ chữ Latin và chữ Esperanto để làm tranh chữ. Theo cụ Cẩn, chơi tranh chữ chủ yếu là dùng hình tượng, đánh vào cảm xúc và trí tưởng tượng, và không phải chữ nào cũng chơi được. Các bức tranh chữ : Lạc Đạo, Ngồi thiền, Nhân và Nhân thế, Luân hồi... được rất nhiều người thích thú tán thưởng, say mê bình luận. Và cũng chả thiếu người phê phán cụ vì dám làm "loạn chữ Thánh hiền"! Dù khen hay chê, ủng hộ hay không ủng hộ, hiểu hay không hiểu, cụ vẫn miệt mài vẽ Tranh chữ như một sự giác ngộ lớn lao, một sự thức tỉnh muộn mằn đem lại sinh khí và ý nghĩa cuối đời cụ... Cụ ngẫu hứng vẽ tặng bất cứ ai mà cụ gặp- nếu người đó xin tranh chữ và đồng cảm với sáng tạo mới của cụ, dù ở nơi bình dân thôn dã hay ở những chốn linh thiêng; và cụ đã say sưa kể lại lý lịch, hàm nghĩa của mỗi bức tranh cho bất kỳ ai yêu cầu cụ. Tranh chữ của cụ thường xuất phát từ một hình tượng cơ bản, song lại ẩn chứa biết bao chiều ý nghĩa và cảm xúc, kích thích trí tưởng tượng để người xem phám phá tiếp những ẩn ý nằm trong Tranh.
Nhiều người quê Bắc sống ở miền Nam đã nhờ ông vẽ chữ hai câu thơ:
Nhiều Việt kiều đã đắm chìm trong thế giới tranh chữ của cụ để thêm nặng tình nặng nghĩa với quê hương Đất nước...Từ thuở mang gươm đi mở nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Tranh chữ của cụ giờ đây đã tìm thấy sự đồng cảm hứng thú của nhiều lớp người, và trở thành đối tượng tìm hiểu khám phá của không ít nhà nghiên cứu...
Mới đây, Nhà xuất bản Thời đại in cuốn "Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn", cuốn sách được nhiều người hoan nghênh và tìm kiếm, vì ở đó dưới hình thức phiếm chỉ là CHƠI, đã gửi gắm nỗi đam mê với cái Đẹp, cả niềm yêu thương sâu nặng với quê hương đất nước của một nhà văn hóa Việt Nam, đồng thời lại mang ý nghĩa thẩm mỹ và triết học sâu sắc. Ra sách tranh chữ rồi, cụ vẫn tiếp tục vẽ- như đó là sự thu hoạch, sự tổng kết sau cùng cho cả cuộc đời cầm bút làm báo, làm thơ viết văn của mình...
Ở tuổi 90, cụ Bùi Hạnh Cẩn vẫn miệt mài, cặm cụi thả hồn trong tranh chữ chứa đầy chất Thơ, chất Nhạc, chất Họa cùng hồn cốt dân tộc và triết lý Á Đông. Cụ đã từng vẽ tranh chữ theo câu thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: "Bảy nổi ba chìm với nước non..." Nhà văn hóa - nghệ sĩ Bùi Hạnh Cẩn của chúng ta cũng đã Bảy nổi ba chìm với nước non chẳng kém; có điều, trong biết bao cơn sóng dồi của thời cuộc, cụ đã kịp viết và vẽ nên những vẻ đẹp có khả năng hoàn thiện Tâm hồn - Nhân cách cho con người... Tranh chữ của cụ với bao hàm lượng văn hóa lịch sử của những thời gian dài và của những không gian rộng lớn đã và đang trở thành một giá trị mới cho Cuộc sống hiện đại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét