“Người chữ” đất Thăng Long
Thứ hai 13/01/2014 07:08
ANTĐ - Không ít họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Trí Dũng, Đỗ
Đức... thành công khi vẽ ngựa, song, vẽ ngựa chỉ bằng… chữ như ông đồ
Bùi Hạnh Cẩn thì dường như chỉ có một.
Ông đồ Bùi Hạnh Cẩn năm nay đã ngoài 90
Tạo lối đi riêngTôi muốn gọi ông đồ họ Bùi này là một “người chữ” đất Thăng Long, bởi cả cuộc đời ông gắn liền với chữ, về già ông vẫn miệt mài sáng tạo chữ. Bằng chứng là cách đây mấy năm, ở tuổi cửu thập, Bùi Hạnh Cẩn còn ra mắt cuốn “Tranh chữ” vô cùng độc đáo.
Tôi đã gặp ông nhiều lần, nhưng bữa gần đây gọi điện hẹn gặp mới biết Bùi Hạnh Cẩn không còn ở “căn hộ độc thân” có đủ điều hòa, nhà vệ sinh, quạt, nước uống… nơi con cái thuê riêng cho ông để ông mặc sức vẽ tranh chữ, tiếp bạn bè và tùy nghi sử dụng theo mục đích tuổi già của mình nữa. Ông đã chuyển về ở với con gái ở Võng Thị. Tuy là ở chung nhưng căn phòng của ông ở tầng 1 khá biệt lập, vẫn là để tạo không gian riêng cho ông được thỏa sức vẽ vời. Vì thế, căn phòng vẫn có đủ những tranh, giấy, bút, sách báo và bản thảo. Thời gian một ngày đối với người già thường dài, nhưng với ông, có lẽ chưa bao giờ là đủ. Ngoài vẽ tranh chữ, ông còn là tác giả của hơn 100 đầu sách, biên soạn, dịch… trong đó phải kể đến các công trình dịch thơ của Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn hay “Nguyễn Bính và tôi”, “441 bài thơ Đường”, “Thăng Long thi văn tuyển”…
Hỏi, ông “phát minh” ra lối vẽ tranh chữ từ bao giờ, ông mơ màng nhớ lại. Đấy là vào thời điểm những năm đất nước vừa chuyển mình đổi mới, cũng là lúc ông đến tuổi hưu. Ông không lấy đó làm điều gì to lớn, bởi ông chẳng ham hố bất cứ thứ phù hoa gì trên đời. Dù ông từng ở những chức vụ rất cao như Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, Giám đốc NXB Hà Nội, Phó Tổng biên tập báo “Thủ đô Hà Nội” (tiền thân của Hà Nội mới)...
Tuy nhiên, ông cũng tâm sự rất thật lòng rằng đang làm việc hăng say, về hưu giống như bị một cái phanh bóp chặt vào rồi không nhả ra được nữa, hãm tất cả mọi hoạt động của ta lại, khiến ta ở trong tình trạng buông xuôi. Ông buộc phải nghĩ ra một cách nào đó để thấy mình tiếp tục tồn tại. Thế là, theo các cụ Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, ông tìm đến những thú vui tao nhã như thưởng tranh, viết chữ, làm thơ… Nhưng khác với những ông đồ đi trước, Bùi Hạnh Cẩn muốn tự mình rẽ theo lối khác, để cố gắng hình thành con đường cho riêng mình. Vốn ghét sự rập khuôn, ông phải tìm hướng mới, lối đi mới cho mình. Ông nghĩ làm sao vẫn phải giữ chắc lấy truyền thống, nhưng phải mới. Đó như là mệnh lệnh cho chính tuổi già của mình. Vậy là đến lúc cũng “bật” được ra: Bùi Hạnh Cẩn dùng chữ Quốc ngữ và chữ Esperanto (Quốc tế ngữ) để vẽ ra những bức tranh chữ có một không hai.
Bức tranh chữ Ngựa độc đáo
Con ngựa hoạt
Song, Bùi Hạnh Cẩn cũng cho biết, bí quyết vẽ tranh chữ là càng đơn giản bao nhiêu càng toát lên cái hồn của chữ bấy nhiêu. Khi viết, bàn tay phải đưa khoáng đạt, đưa cả hồn vía của mình theo nét chữ, phải phiêu và siêu thì mới lột được cái thần của chữ. Vì vậy: “Thực sự không có gì có thể chậm. Vì chậm thì không thanh thoát”.
Những bức tranh chữ ấy mang hồn cốt của người viết, vì vậy, mỗi lần ông viết ra là nó mang một vẻ khác nhau, không bức nào giống bức nào, dù vẫn với hình thức ấy, nét chữ ấy. Ông bảo, dù lấy roi mây đánh cũng chịu, không thể vẽ liền bức sau với bức trước, chỉ trừ phi chụp ảnh. Điều này cũng giống như triết học, không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Từ phút này sang phút khác, ý nghĩ, con người, bàn tay, và ngay cả con người mình cũng chuyển biến sang một tính chất khác, thì làm sao mà còn giống nhau được nữa. Hơn nữa, mỗi loại giấy có một ép-phê riêng, cho người viết những cảm giác riêng. Như vậy, có thể nói, tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn là độc bản.
Một người nước ngoài khi xem những bức tranh chữ có hình một con ngựa đang sải bước tung bờm cách điệu từ chữ “Mã” của chữ Hán đã tấm tắc khen không bức nào giống bức nào. Một giáo sư ở trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng khẳng định: “Tôi đi khá nhiều, xem khá nhiều nhưng chưa thấy một con ngựa nào hoạt như con ngựa trong tranh này”.
Hay bức tranh con trâu có hình một con trâu theo chữ “Ngưu”, rồi bức “Chi chi”, “Xuân, Tết” nhìn vào như thấy náo nức trong lòng vì có cả hoa cả bình rượu, rồi bức chữ “Đạo”, chữ “Đò”… mỗi chữ đều là một gợi ý, một bàn đạp để trí tưởng tượng của người xem tham gia cùng với người vẽ sáng tạo nên những cách đọc, cách hiểu, cách cảm khác nhau. Bởi vậy, tranh của ông đã đạt đến độ hình và ý, hội họa và ngôn ngữ hòa quyện vào nhau, để làm nên những nét riêng, độc đáo vào bậc nhất ở đất Hà Thành.
Cụ Bùi Hạnh Cẩn sinh năm 1921 trong một gia
đình “con nhà Nho cũ”, quê ở thôn Vân Tập, xã Minh Tân, Vụ Bản, Nam
Định. Thân sinh là cụ Bùi Trình Khiêm, đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh
Nam Định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét